Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

 Hạnh Phúc Quá

 Chiếu bạc được dọn ra.
 Ông nội,bố,con rể,con dâu ngồi quây quần,trước mặt là một đống tiền được đè dưới một chiếc đĩa.Trên chiếc đĩa là những quân bài "chắn" được xếp ngay ngắn gọi là "nọc".
 Cô con dâu rút một quân trong nọc vụt đánh đét xuống chiếu hô :
 -Cửu vạn ! Ngon quá mà không ăn được,nhà dưới. 
 Cô đẩy quân bài lui sang phía ông nội.Ông nội có thói quen cứ mở miệng là nói câu : hạnh phúc.Ông nội nói :
 - Hạnh phúc quá,cửu vạn hả,ăn,ăn.
 Ông xòe bài ra tìm kiếm rồi lại cụp vào nói :
 - Thế mà không ăn được,tiếc quá.
 Cậu con rể nói :
 - Ông chỉ có ăn đất.Thôi mở đi Cậu ta giục cô chị dâu.
 Quân bài mở tiếp theo ông bố ù.Cô con dâu nói :
 - Hôm nay bố đỏ thế,người ta nói đỏ bạc thì đen tình.Chắc đêm qua ông bà lại lục đục với nhau chứ gì ?
 Ông bố vừa đưa tay lấy tiền ở đống tiền trước mặt vừa nói :
 - Con này láo,tao với mẹ mày chỉ có lục sục suốt đêm chứ làm gì phải lục đục.
 Cuộc chơi diễn ra tưng bừng với những lời đế,lời bình khi những quân bài được lật lên rất đặc trưng của trò đánh chắn như :
 - Mẹ nó chứ "chi chi" lại lên cửa nhà ấy,nó mà sang cửa nhà này thì cả làng chết.
 Hay :
 - Bố ăn con ấy coi chừng "ngộ độc" đấy.
 Hay khi con bát sách vật lên, cô con dâu nói :
 - Con đĩ*,mời cụ chơi đi ...
 Ông nội hạ quân bát sách xuống ăn và nói :
 - Hạnh phúc quá.
 Bỗng một ông hàng xóm sang chơi.Thấy sới bạc đang rôm rả ông bèn xin một chân.Ông bố bảo :
 - Bác thông cảm gia đình vui chơi có thưởng,văn hóa,văn nghệ, lọt sàng xuống nia ấy mà.Với lại gom tiền "gà" để lát nữa mẹ nó đi chợ mua thức ăn cả nhà cùng ăn.
 Ông hàng xóm nói :
 - Vâng thế thì thôi ạ.Nhà cụ vui vẻ quá,chả bù những nhà khác toàn xóc đĩa với tá lả,tụ tập đủ loại người về sát phạt,lắm bữa đánh nhau chí tử.
  Ông nội nói : 
 - Vâng nhà tôi cứ tổ chức nội bộ để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
 Ông hàng xóm nói :
 - Nghe đâu lại sắp có tiền đền bù đất đợt hai rồi.Dân làng mình tha hồ mà sung sướng.
 Ông nội nói :
 - Hạnh phúc quá !
------------
*Trong trò chơi chắn người ta còn gọi con bát sách là con đĩ.

  Mô Phật

 Tháng giêng là tháng ăn chơi,tháng của du xuân,lễ hội.
 Ngồi nhớ lại mùa du xuân năm ấy ông vẫn thấy bức xúc như chuyện vừa xảy ra...
 Dưới làn mưa xuân nhè nhẹ,ông đèo bà đi lễ chùa.
 Xế chiều trên đường về thì bà bỗng run bần bật,ôm chặt lấy ông kêu đau bụng dữ dội.Giữa đường cái quan,ông chỉ biết lao xe nhanh mong tìm được một bệnh viện hay trạm xá gì cũng được để đưa bà vào.May thay chạy được khoảng chục cấy số thì ông nhìn thấy cổng một bệnh viện ngay ven đường.
 Đưa bà vào phòng cấp cứu,nhân viên trực đủng đỉnh đi ra chỉ chỗ cho ông đặt bà vào chiếc băng ca để trong góc phòng.Ông vừa trình bày xong tình trạng đau đớn của bà thì vị bác sĩ trực hỏi ngay :
 - Thẻ bảo hiểm y tế của bà ấy đâu,ông đưa ra để làm thủ tục nhập viện. 
 - Chúng tôi đi chơi hội nên không mang theo thẻ bảo hiểm y tế.
 - Không có thẻ bảo hiểm y tế chúng tôi không tiếp nhận.
 Ông ù tai đi khi nghe bác sĩ tuyên bố lạnh lùng như vậy.Giọng ông đanh lại :
 - Có thật không có thẻ bảo hiểm y tế thì các ông không cấp cứu người bệnh không ? Ông làm biên bản kí xác nhận vào cho tôi.
 Bỗng có một bác sĩ khác đi ra nói :
 - Thôi,cứ bình tĩnh để giải quyết.
 Sau đó bà được khám xét qua loa,tiêm cho một mũi giảm đau.Rồi không có ai hỏi thêm gì nữa,tưởng mọi người chuẩn bị đưa bà vào phòng bệnh nên ông cứ ngồi chờ.Bà vẫn đau vật vã,đến hơn nửa giờ sau vẫn chả thấy động tĩnh gì,ông phải chạy đi tìm bác sĩ thì thấy hai vị đang ngồi trước hai chiếc máy tính.Ông hỏi thì một vị nói :
 - Có khi ông chuyển bà về bệnh viện thành phố đi,vì ở đây không đủ phương tiện cấp cứu.
 - Vâng, vậy thì bác sĩ cho xe cấp cứu chở vợ tôi đi ngay đi ạ.
 - Không,ông ra thuê xe taxi đi cho nhanh,nói thật với ông giá taxi còn rẻ hơn xe cấp cứu đấy.Vả lại đợi lệnh điều xe với thủ tục xuất xe cũng hơi lâu đấy.
 Cuống cuồng,ông ra vẫy xe taxi vào chở bà đi.Hú hồn khi bà vừa nằm trên bàn mổ của bệnh viện thành phố thì ruột thừa vừa bục.
 Khi bà đã yên ổn nằm ở phòng hồi sức.Ông quay trở lại lấy xe máy thì được biết hôm ấy bệnh viện dùng xe cứu thương chở các y bác sĩ đi lễ phật cầu may đầu xuân.
 Ông quay đầu vào bệnh viện,chắp tay vái dài : MÔ PHẬT !


   Chớp Thời Cơ

 Nhà bác Hai Lúa từ khi nhận tiền đền bù đất được hơn một tỷ,làm được ngôi nhà khang trang.Số tiền còn lại mấy trăm triệu gửi ngân hàng,hàng tháng rút tiền lãi để chi tiêu và cho hai đứa con ăn học.Nay hai đứa ra trường đã được mấy năm rồi mà vẫn chưa xin được việc làm.Không phải bác không chịu khó chạy vạy,hay không có mối quan hệ để xin cho các con có việc làm,mà vì bác không đủ tiền để lo lót.Chỗ nào cũng có giá từ trăm triệu trở lên,vậy là bác bó tay.Bác nằm vắt tay lên trán và suy tính : Thôi thì số tiền đáng ra để lo lót cho chúng nó bác sẽ mở một quán giải khát cho thằng lớn là kỹ sư điện trông nom.Còn đứa con gái là cử nhân kinh tế,bác sẽ cho đi học lớp cắt tóc gội đầu cấp tốc,rồi mở cho nó một cửa hàng.Phải tự thân vận động mà sống thôi,chứ cứ trông chờ vào công ty,công sở nhà nước thì đến bao giờ mới kiếm được miếng mà ăn.
 Nghĩ vậy bác đem ra bàn với cả nhà về ý định của mình,chú em bác là cán bộ nói :
 - Em sợ kế hoạch của bác bị phá sản mất thôi.
 - Cái chú này,chưa bàn làm đã lo hỏng.
 - Em nói là có cơ sở đấy bác ạ,hiện nay đang có chủ trương cắt giảm một trăm nghìn biên chế.Em báo cho bác biết : Một trăm ngàn chuyên gia pha trà,bưng bê với mát xa, đấm bóp sẽ được trả về địa phương.Lúc đó họ sẽ mở phòng trà với cắt tóc thư giãn,thì e rằng quán nhà mình bị lép vế không có khách là cái chắc.
 Chú tính sai rồi.Tôi thì cho rằng những chuyên gia pha trà,bưng bê đấm bóp ấy sẽ không bị trả về địa phương,vì họ chắc chắn là chạy bằng tiền,hoặc có ô dù mới được vào mà sáng cắp ô đi tối cắp về.Còn những người có tài,nhưng không có ô dù,hoặc chẳng có duyên nợ gì với các sếp lại là những người có cơ hội về địa phương cao hơn.Lúc đó họ sẽ mở những công ty,cơ sở sản xuất theo khả năng của họ.Đội ngũ lao động sẽ được thu hút.Lúc đó dịch vụ giải khát,làm đẹp, thư giãn lành mạnh của mình sẽ có đất sống.Ta phải chớp lấy thời cơ này.
 - Bác hơi chủ quan đấy,thôi được ta cứ thử xem.

 Thưởng Hợp Đồng

 Phải thừa nhận sếp là người con có hiếu.
 Mẹ sếp mất,sếp tổ chức tang lễ thật trang nghiêm nhưng không hề phô trương.Âý thế mà người đến viếng đông như hội.Chắc trong công tác sếp rất được mọi người yêu quý,nể trọng nên mới đến viếng mẹ sếp đông như thế(?)
 Người ta nói đám ma mẹ sếp đông như hội không hề có ý báng bổ gì đâu,mà thực sự đông và vui thật,vì chả có tiếng khóc than nào cả,bởi cụ quy tiên,tiễn cụ về miền cực lạc mà.
 Vì sếp hiếu thảo nên cụ sống khôn, chết thiêng,phù hộ ngay cho sếp.
 Sau đám tang sếp thu được tiền phúng viếng tính bằng đơn vị tỷ.Và mấy tháng sau sếp lại được "thăng ghế".Thế chả phải do cụ phù hộ thì là gì.
 Từ ngày mẹ sếp mất,bố sếp sống cô đơn.Thấm thoát thế mà cũ đã được sếp làm thượng thượng thọ "bát tuần".Lại một vụ bội thu của sếp.Cái này là người ta gọi là sếp được hưởng lộc của bố chứ không phải là bố sếp phù hộ,vì cụ đã "quy"đâu.
Sếp sắp đến tuổi phải về hưu.Dạo này vợ sếp hay nhắc đến bố sếp.Con nhà người ta thấy bố khỏe thì phải lấy làm mừng,nhưng vợ sếp thì lại hay nói về ông bố chồng phong độ bằng một giọng chua chát,mỉa mai thế nào ấy.Nhiều lần vợ sếp chì chiết đay nghiến sếp về sức khỏe của cụ,khiến cho sếp phải gãi râu cằm mà liên hệ đến việc mất mát khi sếp phải về hưu mà cụ thì vẫn chưa quy.
 Sếp lên kế hoạch những viện cần làm ngay.
 Đầu tiên sếp bố trí cho ông cụ ra ở một ngôi nhà khang trang chứ không ở chung với nhà sếp nữa,với lý do là tạo cho cụ không gian yên tĩnh,thảnh thơi mà an hưởng tuổi già.
 Việc thứ hai là sếp thuê một cô ô sin khỏe,trẻ,đẹp,chuyên hầu hạ chăm nom nâng giấc cho ông cụ.
 Biết chuyện thiên hạ ai cũng khen là ông cụ sướng,sếp là đứa con quá hiếu thảo.
 Duy có bản hợp đồng quy định các điều khoản thưởng và phạt giữa sếp và cô ô sin ký thì rất bí mật,không ai biết.
 Khi cô ô sin đến hầu hạ ông cụ được hai tuần thì ông cụ quy tiên,nét mặt vẫn phảng phất sự mãn nguyện.
 Cô ô sin bị mất việc quá sớm,được sếp chi cho trăm triệu,nghe đâu là tiền đền bù hợp đồng bị vỡ.Cũng có người lại bảo khoản đó là sếp thưởng hợp đồng ???.
 

Lí Do Hạ Thấp Yêu Cầu

Giám đốc gọi trưởng phòng tổ chức lên bảo:
- Lần tuyển chọn nhân viên này ông cứ theo tiêu chí: người nào năng lực, trình độ cao nhất thì tuyển.
- Kể cả những người có hồ sơ mà anh mới chuyển cho tôi?
- Tất, cứ phỏng vấn, sát hạch thật kỹ, thật chuẩn.
- Vâng anh  yên tâm tôi sẽ nghiên cứu giải quyết.
- Sao lại phải nghiên cứu mới giải quyết được?
Vừa lúc đó trên ti vi phát tin: ở sở xây dựng một tỉnh miền núi, chỉ thị cho việc đấu thầu xi măng phục vụ công trình, với tiêu chí hãng xi măng nào chất lượng tốt, đảm bảo đúng yêu cầu kĩ thuật của công trình, giá thành rẻ nhất thì chọn thầu. Cuối cùng hãng xi măng trong tỉnh đạt đủ mọi yêu cầu thì không được chọn, một hãng xi măng tỉnh khác lại trúng thầu. Hậu quả là giá thành công trình bị đội lên hơn một trăm tỉ đồng.
Nghe xong trưởng phòng tổ chức nói:
- Thế là lại một mánh làm ăn bị đổ bể, lại một vài đồng chí bị lộ. Nhân sự việc này tôi cũng nói với anh việc tuyển chọn người của anh giao cho tôi cũng giống như việc đấu thầu xi măng kia thôi.
- Anh nói thế nghĩa là sao?
- Vâng, những người tài, có đủ năng lực làm việc tốt nhất, đi xin việc, sau khi đã chứng tỏ năng lực cho chúng ta biết, họ sẽ phỏng vấn lại chúng ta về mức lương họ được hưởng, về điều kiện làm việc của họ phải được đáp ứng họ mới vào làm. Và đặc biệt là những người này thường không mang theo phong bì khi đi xin việc. Cũng như việc chọn thầu xi măng của tỉnh kia thôi, nếu lấy anh rẻ nhất, tốt nhất thì làm gì có hơn trăm tỉ đội giá mà chia nhau. Giờ ta tuyển người không phong bì thì...
- Thôi được rồi tôi hiểu ý anh rồi, nhưng anh giải quyết nhân sự cho khéo, đừng tuyển những người chỉ biết dạ, vâng và t pha trà, bưng nước đấy nhé.