Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Tại Cái Bờ Rào

 Anh đội trưởng đội quy tắc dõng dạc đọc lệnh cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng không phép.
 Chủ nhà nghe xong lệnh,xoa xoa tay vào nhau nói :
 - Các anh thông cảm,"công trình" nhà tôi,đâu có đáng gọi là công trình.Chẳng qua cái bếp nhà tôi bị cơn bão Hải Yến làm tốc mái,đổ mất góc tường.Tôi nhân tiện thì đập đi xây lại cho chắc chứ có gì to tát đâu mà gọi là công trình trái phép.
 - Ông không được chống đối !Quy chế xây dựng quy định :Đặt một viên gạch mới lên đất cũng phải xin phép.Giấy phép của ông đâu mà ông bảo là không trái phép?
 - Dạ tôi cứ nghĩ sự việc đơn giản,thôi xin các anh thông cảm,cầm tạm gói chè,bao thuốc lơ đi cho tôi sửa sang lại cho nhanh.Cái bếp nhà tôi vẫn trên nền cũ,có động chạm,ảnh hưởng đến ai đâu mà phải xin phép.
 - Ông định hối lộ nhà chức trách hả?
 - Dạ đâu giám,xin các anh thông cảm.
 - Thôi được rồi,thể tình ông tỏ ra biết điều,tôi hướng dẫn ông thế này : Ông làm đơn trình ra ủy ban xin sửa lại cái bếp.Chúng tôi sẽ kiểm tra thực tế rồi cấp phép cho ông,không phiền hà,khó khăn gì đâu mà ngại.
 Có thật là chỉ đơn giản thế thôi không ạ?
 - Nếu nhà ông có đủ giấy tờ hợp lệ như sổ đỏ,sổ hồng thì không lo gì cả.
 - Vâng xin cảm ơn các anh.Gia đình tôi xin chấp hành.Nhân đây tôi cũng xin hỏi các anh :Sao nhà tôi mãi trong ngõ sâu thế này mà vừa xây được mấy hàng gạch các anh đã biết mà đến ngay thế ?
 - Phát hiện và sử lý các công trình xây dựng trái phép là trách nhiệm và bổn phận của chúng tôi mà lỵ.
 - Vậy cho tôi hỏi sao cả dãy phố mọc lên sai phép mà ti vi vừa đưa tin, thì các anh lại không biết ạ ?
 - Vấn đề này sếp tôi cũng đã giải thích trên ti vi rồi đấy thôi.Tại khi xây dựng người ta dựng hàng rào tôn che kín,mà kín thế thì bố ai biết họ làm gì ở bên trong !
 - ???!
  Gắp Lửa Bỏ ... Tay Mình

 Hắn vừa được đi dự một cuộc họp mà hắn cho là rất oai.Đó là cuộc họp các đầu ngành của ... thôn.Vì hắn mới được bầu làm tổ trưởng tổ bảo vệ của cụm dân cư.
 Cuộc họp phổ biến về công tác toàn dân phòng chống và tố giác tội phạm.
 Hắn lên kế hoạch lập thành tích, vì tội phạm ở quanh hắn thì nhiều lắm.Vấn đề là phòng chống và tố giác cái gì thôi.Đầu tiên hắn nghĩ đến mấy thằng nghiện,rồi hắn tự nhủ,chả dại mà dây vào lũ liều này.Rồi hắn nghĩ đến mấy nhà hàng xóm hay tổ chức đánh bạc.Nhưng những nhà này lại là chiến hữu của hắn hoặc có họ hàng với hắn,vả lại thi thoảng hắn cũng đến làm vài hội,chả nhẽ lại đi tố giác,mặt mũi nào.
 Hắn chợt nhìn sang nhà hàng xóm có mấy chục phòng cho thuê trọ.Hắn vỗ đùi đánh đét một cái như tìm ra một phát minh lớn lắm.Đúng rồi nhà ấy đông người trọ như thế,kiểu gì chẳng ăn cắp nước.Mà nước bây giờ là tài nguyên quý giá.Ăn cắp nước là tội phạm lớn.Hắn ngờ rất nhiều nhà không có phòng cho thuê trọ còn ăn cắp nước nữa là nhà kia có hàng chục phòng trọ.Hắn bèn viết đơn tố cáo lên công ty nước sạch.Phải công nhận công ty nước sạch hưởng ứng chống tội phạm nhanh thật.Chiều hôm trước hắn đưa đơn thì gần trưa hôm sau một đoàn cán bộ nhà máy nước về kiểm tra ngay.Chưa biết họ kết luận thế nào,nhưng thấy đồng hồ nước của nhà ấy bị tháo đem đi,hắn chắc mẩm hắn đã ra đòn trúng đích rồi.Không ăn cắp nước thì người ta thu đồng hồ đem đi làm gì.Hôm sau lại có một đoàn đông hơn ầm ầm kéo về kiểm tra.Hắn khoái lắm, vừa lập được thành tích,vừa chơi cho nhà hàng xóm một vố."Ai cho phép mày giàu và sướng hơn tao cơ chứ"
 Nhưng rồi hắn chưng hửng khi đoàn cán bộ nhà máy nước kết luận nhà ấy không sai phạm gì sau khi đã kiểm tra kỹ,và lắp trả lại đồng hồ nước.
 Rồi cả đoàn kiểm tra kéo vào nhà hắn.Hắn tưởng họ vào về vấn đề hắn đệ đơn tố giác sai.Nhưng không phải,đoàn này không biết hắn viết đơn tố giác,mà chỉ là kiểm tra tiếp một vài nhà nữa để tỏ ra vô tư mà thôi.Biết ý đồ của đoàn kiểm tra,hắn hoảng hồn,ú ớ xưng mình là cán bộ xóm, không cần phải kiểm tra.Nhưng đâu có được,và thật khốn nạn cho hắn khi chỉ với vài thao tác của đoàn kiểm tra thì hắn đã bị lộ mặt là tên ăn cắp nước quá trắng trợn.
 Người ta biết chuyện ai cũng nói:
 - Đúng là gắp lửa bỏ...tay mình!
  Hàng Xóm

 Hai ông ngồi nói chuyện với nhau.Một ông nói :
 - Ngày xưa các cụ có câu :"Bán anh em xa mua láng giềng gần" hay thật.
 Ông kia nói :
 - Ngày xưa tình làng nghĩa xóm quý lắm,đẹp lắm.Anh em ở xa thì không thể bằng được láng giềng gần.Tối lửa tắt đèn có nhau.Nhà không may có hoạn nạn thì xóm giềng xúm vào giúp đỡ,động viên,chia xẻ.Nhà có niềm vui thì xóm giềng sang chung vui chúc mừng,nồng ấm nghĩa tình.
 - Xưa ranh giới hàng xóm với nhau chỉ là rặng cúc tần,bụi ô rô,bờ râm bụt ... Thật thơ mộng và gần gũi biết bao.
 Ông kia tiếp lời :
 - Nhưng người ta bảo đấy là tình nghĩa xóm giềng của thời xa xưa,nghèo nàn và lạc hậu thôi.Còn bây giờ thì bao làng quê đã đô thị hóa,thành phố, thành phường.Tình làng,nghĩa xóm cũng đổi thay biến tướng.Làm gì còn cảnh í ới gọi nhau sang uống bát chè xanh,ăn củ khoai luộc nữa.Nhà nào bây giờ cũng có ăn nhậu tưng bừng đấy,nhưng họ không nhậu với mấy tay hàng xóm nữa,mà bạn nhậu ở những đâu đâu kéo đến cơ.
 - Ông nói phải,ranh giới hàng xóm bây giờ là kín cổng cao tường,đèn nhà ai nấy rạng.Nhà mày mà hơn nhà ông thì cứ rờ hồn.Còn câu "mua láng giềng gần" giờ được áp dụng khi ông láng giềng muốn mở mang bờ cõi,muốn cơi nới chút đỉnh ranh giới thì sang nhà ông láng giềng gần thỏa thuận mua đất trắng phớ chứ không phải nghĩa bóng gió gì cả.Hay có thỏa thuận về một thứ quyền lợi,thủ tục,giấy tờ gì đó thì phải mua bằng tiền thật.
 - Ngẫm mà thấy buồn,cuộc sống đi lên,thì tình nghĩa xóm giềng đi xuống.
 - Gì thì gì,nhưng cái khoản thi thoảng lại có ông hàng xóm vào nhầm giường nhà bà láng giềng,hay vợ ông hàng xóm đi đẻ thì bà vợ ở nhà bên này thấy chồng cứ ôm bụng đau quằn quại,thì từ xưa đến giờ vẫn không thay đổi.
Không Tủi Bằng

Thế là hắn cũng về được đến nhà ăn tết, sau một năm bôn ba kiếm ăn. Nhưng tết này hắn lại gặp phải một cái eo, chắc nhà hắn lại phải ăn cái tết nghèo thôi.
Còn nhớ tết năm ngoái khi vừa đặt chân về đến nhà, chưa kịp chia quà cho mấy đứa con thì ông bạn hàng xóm đã ào vào, vồ vập như ruột thịt xa nhau lâu lắm mới gặp lại. Lão kéo tuột hắn đi vào hội xa quê về ăn tết đang tụ họp ở quán Cây quéo đầu làng. Vui quá, toàn anh em xa cách nhau cả năm trời mới gặp lại, rượu bia tưng bừng. Hết tăng một, đến tăng hai, một tay nói:
- Anh em ta ra thiên hạ kiếm ăn, kẻ may người rủi, chỉ có thu hoạch là ai cũng có, nhiều hay ít tùy theo vận của từng người. Giờ ta vào"sới", coi như là một cuộc phân phối lại cho vui, kiểm tra lại vận may lần cuối của năm với từng người.
Tay ấy nói là cho có nói thôi, chứ hội của hắn khi nào nhậu xong mà chả xúm vào đỏ đen. Nhưng đen nhất cho hội hắn là năm ấy bị công an xã bắt gọn, chứ mọi khi năm hết tết đến anh em gặp nhau vui vài ván có sao đâu, vậy mà lần này bị tóm khốn nạn thật. Thế là bao nhiêu tiền dành dụm cả năm chưa kịp đưa cho vợ đã bị đốt sạch. Vợ hắn còn phải chạy vạy, vay mượn nộp tiền phạt để người ta tha cho hắn về ăn tết. Thật nhớ đời. 
Năm nay hắn về đến nhà, vợ con chưa kịp nhoẻn cười, nhìn thấy bộ mặt méo xẹo của hắn mà lo lắng.
Năm nay do thu nhập cũng kha khá, công việc cũng đã vãn, hắn tính về nhà ăn tết sớm. Hắn đi sắm hàng tết. Nào là trái cây, đồ khô, giò nem đặc sản nơi hắn làm việc, đóng thùng đem về, vừa nhà dùng, vừa làm quà cho bà con.
Khi hắn xuống ô tô, vừa ôm eo tay xe ôm trên đường về nhà thì gặp một đám đánh nhau ven đường. Tay xe ôm loạng quạng thế nào lại bị đám đánh nhau quây lại, cả hai ngã ra. Thế là bọn đánh nhau liền xúm vào hắn và gã xe ôm mà đấm đá. Lúc hắn định thần đứng dậy được thì thùng quà tết của hắn bị cướp mất, đám đánh nhau cùng gã xe ôm cũng biến mất. Người ta nói hắn bị sa vào bẫy của bọn lưu manh chuyên dàn cảnh tai nạn để cướp.
Kể xong chuyện cho vợ con nghe hắn nói:
- Thôi âu cũng là vận hạn mình đen đủi, của đi thay người. Mất vì tay bọn cặn bã xã hội, bọn ăn cướp thì cũng tức thật, nhưng không như anh lái xe bia ở Đồng Nai bị những người bình thường vẫn được coi là lương thiện xông vào cướp bia khi xe chở bia bị tai nạn mới đau và tủi chứ.

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Khôn

Có con mà gả chồng xa
Đường dài lắm hố nhỡ mà xảy chân
Có con mà gả chồng gần
Hết tiền, hết gạo nó lần sang vay
Trong cơn bão giá thế này
Co kéo không khéo, có ngày trốn con
Suy đi tính lại, thiệt hơn
Cho lấy chồng ngoại ai khôn như bà
Thớt Và Ruồi

Các cụ ngày xưa nói cấm có sai: " Thớt có tanh tao ruồi mới đến "... Cái "thớt" của tôi vừa có tí "tanh". Chả là tôi đang là anh phó phòng quèn ở xã, đùng một cái được điều lên làm trưởng một ban ở trên huyện. Thế là lũ "ruồi" bay đến ào ào. 
Con ruồi đầu tiên là thằng gọi tôi bằng chú, họ cách khoảng ba tầm đại bác. Thường ngày nó vẫn xấc xược gọi tôi bằng anh. Hôm nay nó đến khúm núm:
- Con có chai rượu hạ thổ đã ba năm, đến để uống mừng bố. Rồi nó khoe nó võ nghệ cao cường, dưới tay nó có cả một đội ngũ bảo vệ có nghề. Nó bảo tôi lên trên huyện, chỉ cần nói một tiếng cho nó thay toàn bộ đội bảo vệ ở chợ huyện, thì an ninh trật tự ở chợ huyện sẽ ổn định, nền nếp ngay. Đằng nào thì hợp đồng bảo vệ ở chợ huyện cũng sắp được kí lại rồi.
Con "ruồi" thứ hai là một nhà doanh nghiệp đến bàn với tôi chung nhau mở vài điểm dịch vụ. Tôi thì lo thủ tục, còn hắn thì lo vốn.
Rồi không biết những chú X, ông Y, anh Z ở những đâu đâu bỗng kéo đến thăm tôi, thân tình như ngày hôm qua, hôm kia vẫn ngồi nhậu với nhau vậy. Cả mấy em rất xinh, chủ các tiệm karaoke, gội đầu thư giãn... Cũng đến thăm bà xã tôi như quen nhau từ lâu lắm rồi. Mà ai đến cũng có quà, bà xã tôi cứ lúng ta lúng túng, chả biết từ chối ai, thế là cứ nhận tuốt cho họ vui lòng. Bà ấy giải thích họ đến thăm, với kết thân vì mình mới chuyển đến, chứ có nhờ vả gì đâu mà sợ.
Trời ơi cái " thớt " của tôi mới có tí "tanh" mà "ruồi" đã đến bâu kín rồi. Mai này nó "tanh tưởi" thực sự, chắc đặc kín " ruồi ", liệu tôi có đủ dũng khí để xua đuổi lũ ruồi mà mở mắt nhìn, lo việc đời không.
Tôi đang ú ớ thì có người lay bật dậy, hóa ra đó chỉ là một giấc mơ.
 
Văn Hóa Tổ

 Mở đầu buổi họp bình bầu gia đình văn hóa của tổ dân phố,ông tổ trưởng hùng hồn phát biểu:
 - Chúng ta xây dựng xã hội văn minh tiên tiến,đậm đà bản sắc dân tộc.Muốn vậy phải có văn hóa.Muốn có văn hóa phải bình bầu gia đình văn hóa...
 Ông Ba nói xen vào :
 - Muốn có văn hóa thì phải học hỏi,rèn luyện,phấn đấu chứ sao lại bình bầu...
 - Đề nghị không được nói ngang nhé.
 Ông tổ trưởng bực dọc cất tiếng khi bị cắt lời.
 - Này ông bảo ai nói ngang thế hả? Là tổ trưởng bao lâu rồi mà có mấy câu khẩu hiệu hô đi hô lại mãi mà vẫn không biết đường hô.
 Một người lên tiếng :
 - Thôi xin các vị,ta họp bầu gia đình văn hóa chứ có phải là bình văn đâu mà các vị bắt bẻ nhau ghê thế.
 Ông tổ trưởng nén giận nói tiếp :
 - Về gia đình văn hóa thì nhà nào cũng tự chấm điểm rồi,đều đạt cả.Còn gia đình văn hóa tiêu biểu thì năm nay đến lượt bốn gia đình tiếp theo,theo truyền thống của tổ ta : Hoa thơm mỗi người ngửi một tý.Tôi dự kiến thế này : Cụm một nhà bà Bảy,cụm hai nhà ông Tỵ, cụm ba nhà anh Toán, cụm bốn nhà bác Điều.
 Bà Bảy có ý kiến xin rút không nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu,vì lý do vợ chồng nhà anh con trai vẫn hay lục đục.Bác Điều cũng xin rút vì lý do thằng cháu nội hay chơi lô đề.
 Ông tổ trưởng hỏi ai có ý kiến gì nữa không.Không ai nói gì,ông kết luận :
 - Gia đình nào chẳng có lúc thế này thế nọ,bát đũa còn có khi xô nữa là.Việc vợ chồng anh con nhà bà Bảy đôi lúc có va chạm cũng là chuyện thường.Còn cháu nhà bác Điều chơi lô nhưng là lô tô nhà nước,ích nước lợi nhà không sao cả (!) Nhà anh Toán làm chủ đề mà vẫn vui vẻ nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu cơ mà.Thôi ta nhất trí bầu bốn gia đình đó là gia đình văn hóa tiêu biểu nhé.Mời bà con giải tán.
 Còn ông Ba thích lý sự hả,mai mời ông lên ủy ban ta lý sự nhé.

Vịnh Đường
 
Đường dài ngẫm nỗi thấy kinh 
Trên từng cây số gồng mình mà đi 
Trạm thu phí liền tù tì 
Bao nhiêu anh "núp",rồi thì ổ voi 
Giá xăng, dầu ở trên trời 
Bao nhiêu "ông" nghiện cũng ngồi lái xe
 Rượu say, với thuốc vừa phê 
 Chạy như ma đuổi,tùng bê đầy đường 
 Ôi đường chín hướng,mười phương 
Chẳng dành một nẻo mà thương người lành 
Lên đường mặt đỏ thành xanh 
Về nhà mới biết là anh vẫn còn !
 Sếp Bà Sắp Đặt
 Sếp và vợ sếp cãi nhau đến hồi quyết liệt.Vợ sếp gay gắt :
 - Ông phải cho thôi việc cô thư ký của ông ngay.
 - Thôi việc là thôi thế nào,bà chỉ nghi ngờ,ghen tuông vớ vẩn chứ gì?
 - Không vớ vẩn tý nào đâu,nó trẻ đẹp hơ hớ như thế.Mà bây giờ người ta thường nói về các cô thư ký : chân dài,nghiệp vụ ngắn,chỉ giỏi làm sếp không biết chán.Ông nghe thấy rồi chứ.
 - Này bà đừng nói linh tinh.
 - Bây giờ người ta nói ba mươi phần trăm viên chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về,ăn không ngồi rồi chả làm được việc gì.Cô thư ký của ông cũng trong diện ấy,chả làm được việc gì cho cơ quan,cho nên nếu ông cố tình không làm theo ý tôi,thì tức là ông cố tình giữ lại cho ông chứ gì.
 - Này bà đừng nói càn nhé.Chỉ có một phần trăm là không hoàn thành nhiệm vụ thôi,bà ngồi nhà biết gì mà phần trăm với cả phần nghìn.
 - Này đừng coi thường gái này nhé,không có tôi trông giữ cửa sau cho ông thì ông có được như bây giờ không?
 - Thôi đã đến nước này thì tôi cũng phải thú thực với bà...
 - Hả, thú thực ? Thì ra điều tôi nghi ngờ bấy lâu là không sai?
 - Khẽ cái mồm ,tôi nói cho mà nghe.Nói thật với bà,cô thư ký là của sếp tôi gửi đấy.Bà có biết câu vợ bạn, con thầy không ?
 - Tôi chả tin,con ấy mà là con của sếp ông á ?
 - Không ,đó là bồ của sếp tôi.Sếp tin tưởng giao cho tôi để tiện bề chăm sóc và ... hoạt động.Vì cơ quan tôi là cơ sở ruột của sếp bà hiểu không.
 - À ra thế.
 - Nhân thể bà nói đến chuyện cho nghỉ việc,lần này tôi cho thằng lái xe của tôi nghỉ,vì dạo này nó có nhiều biểu hiện bất thường lắm.Bà biết không, cô thư ký của tôi lái xe rất giỏi,cô ấy bảo để cô ấy lái xe luôn cho tôi cũng được.
 - Âý, ấy ,thay ai, đuổi ai thì đuổi chứ không được đuổi chú lái xe của ông đâu đấy !
 - Hả ???

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Tiết Kiệm Kiểu Sếp

Tục ngữ có câu: " Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện", ý là khuyên người ta không được hoang tàn, lãng phí và phải biết tiết kiệm. Rồi có câu khẩu hiệu: " tiết kiệm là quốc sách". Vì vậy mà ở bất kì cuộc họp nào của cơ quan, sếp cũng quán triệt tinh thần chống lãng phí và thực hành tiết kiệm. Con gái sếp mới đi tu nghiệp ở nước ngoài về. Nếu chạy vào một chỗ nào đó ở một cơ quan khác thì dứt khoát sếp phải tốn một khoản kha khá rồi. Để tiết kiệm, sếp đặt cho cô con gái rươu một ghế trưởng phòng một phòng quan trọng ở cơ quan sếp. Thế là một công đôi việc, vừa thực hành tiết kiệm, lại đúng phương châm:"thứ nhất hậu duệ"... Sếp tổ chức bữa tiệc sinh nhật mình, kết hợp luôn cả lễ "rửa ghế" cho tân trưởng phòng cho cô con gái rượu. Cũng lại là một công đôi việc, tiết kiệm được bao nhiêu thời gian và tiền của cho mọi người, vì đi dự một bữa tiệc ai lại mang hai phong bì. Cho nên ai đi dự tiệc cũng chỉ phải mang một phong bì thôi. Bữa tiệc đứng thật tưng bừng, với rượu ngoại và sơn hào hải vị, nhưng không hề bị coi là lãng phí, vì khi tiệc tan, rượu không bị sót một giọt nào, thức ăn thì không thừa dù là một tí. Không như các bữa tiệc đứng ở nhiều nơi khác, rượu mở ra thừa mứa ở các chai, thức ăn rơi vãi, sót ở đĩa, bát rất nhiều thật lãng phí. Bữa tiệc này không lãng phí một tí nào, mà không lãng phí cũng được coi là tiết kiệm(?). Và chủ bữa tiệc là sếp được coi là tiết kiệm nhất, vì toàn bộ khoản tiền chi cho bữa tiệc sếp chả phải bỏ ra đồng nào mà do tài vụ cơ quan thanh toán tất. Đấy muốn tiết kiệm thì hãy phấn đấu được làm sếp như sếp mà thực hành tiết kiệm(!).

Ai Tuyển Ai

Đã đến lúc nhà tôi cần phải có người giúp việc.Vì vợ chồng tôi rất bận công việc ở cơ quan.Bố mẹ tôi lại cũng cao tuổi rồi,các cụ cũng tham gia vào khá nhiều các câu lạc bộ,nên không thể,và vợ chồng tôi cũng không nỡ bắt các cụ cứ phải ở nhà trông cháu và lo việc nhà cho chúng tôi được. Vợ tôi đến trung tâm giới thiệu việc làm và được giới thiệu một cô gái,mới nhìn vợ tôi đã ưng ý lắm rồi.Cô khỏe mạnh,nhanh nhẹn,nhưng nét mặt lại rất chất phác,hiền hiền... Sau khi đã làm quen,trao đổi với nhau về công việc,mà công việc của ôsin chỉ là giúp việc nhà chứ còn gì khác,rồi tiền lương,tiền ngoài lương ... Vợ tôi được trung tâm cam kết là nhân thân của cô gái rất tốt,nếu có điều gì không hay xảy ra trung tâm hoàn toàn chịu trách nhiệm. Khi chuẩn bị ký hợp đồng thì cô gái nói: - Cháu xin hỏi cô mấy câu có được không ạ? - Có điều gì còn chưa thoải mái em cứ hỏi,ta cùng bàn bạc. - Dạ nhà cô mấy tầng ạ? Vợ tôi hào hứng nói: - Nhà chị bốn tầng,mỗi tầng có ba phòng,rất rộng rãi thoáng mát.Em thích ở tầng trệt cũng được,tầng thượng cũng được. - Vâng, cảm ơn cô.Thế em bé nhà mình mấy tuổi rồi ạ? - À em bé nhà chị hơn một tuổi rồi,trộm vía nó ngoan như cún con ấy. - Thế cô chú ở riêng hay ở với ông bà ạ? - Bố mẹ chồng chị vẫn khỏe và vui tính lắm,em không lo. Tưởng rằng những điều trên làm cho cô ôsin thêm vui vẻ khi ký hợp đồng,không ngờ cô nói một câu khiến vợ tôi chưng hửng: - Cháu không thể làm việc ở nhà cô được với các lý do sau: Thứ nhất, giá nhà cô là nhà một tầng thì tốt,đằng này nhà cô quá to quá cao chỉ lau dọn nhà cũng hết hơi rồi.Thứ hai em bé chưa tự ăn tự chơi được thì hầu nó khổ lắm.Thứ ba bố mẹ già của cô còn thì dù các cụ có khỏe,rồi cũng có lúc cháu vẫn phải cơm bưng nước rót cho các cụ,phải chịu sự soi mói của các cụ nữa là cái chắc.Vì thế nhà cô không đủ điều kiện để tuyển cháu vào làm.Và còn điều này nữa nói thêm để cô biết nốt về nhu cầu và điều kiện của cháu,đó là sáng cháu phải có một giờ đồng hồ để tập dưỡng sinh,tối từ bảy giờ đến tám giờ cháu phải đi tập thể hình... Tai vợ tôi ù đi,đứng vội dạy vái chào cô ôsin và kết thúc cuộc tuyển chọn.

Giấc Mơ Của Sếp

Giấc Mơ Của Sếp Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm vừa rồi, sếp đạt một trăm phần trăm. Sếp biết thừa giá trị của con số một trăm phần trăm đó là thế nào. Tuy nhiên sếp cũng tự nhủ từ nay sẽ cố gắng làm việc công minh hơn, trách nhiệm cao hơn. Việc đầu tiên trong tự sửa mình của sếp là không nhận phong bì trong khi giải quyết công việc. Và buổi sáng ngày đẹp trời đầu tuần, sếp trịnh trọng ngồi vào ghế, tiếp nhận bộ hô sơ đầu tiên. Thường mọi khi mở hồ sơ ra thì tài liệu đầu tiên bao giờ sếp cũng tiếp xúc là chiếc phong bì. Nó dày, mỏng, lớn, bé tùy theo tầm quan trọng của từng hồ sơ. Sếp định bụng sẽ trả ngay chiếc phong bì cho người chủ của nó. Nhưng lạ thay sếp tìm hết trong túi hồ sơ mà chả thấy chiếc phong bì nào cả. Sếp thận trọng tìm lại lần nữa, vẫn không thấy. Một câu hỏi bật ra thành lời, thực ra sếp chỉ định hỏi mình thôi: - Đâu? Người có hồ sơ đang ngồi khép nép đối diện với sếp giật mình hỏi lại: - Thưa anh cái gì ạ? Hồ sơ của em theo hướng dẫn đã có đủ mọi giấy tờ cần thiết rồi ạ. - À không, tôi xin lỗi, tôi tự hỏi tôi thôi. Rồi sếp nhoẻn cười, nụ cười đầu đời của sếp trên ghế tiếp dân (!) Hồ sơ có vài điều cần phải bổ sung sếp tận tình chỉ dẫn, giải quyết chu đáo. Người chủ hồ sơ nhận lại hồ sơ với thái độ biết ơn đến lúng túng vụng về vì công việc của mình được giải quyết nhanh gọn đến thế. Ông ta cầm hồ sơ nói với sếp: - Em thành thật cảm ơn anh. Nhưng anh cho em xin lại cái phong bì. - Hả, phong bì nào, làm gì có phong bì trong hồ sơ của anh? - Dạ anh cho em xin lại cái phong bì. Người chủ hồ sơ mặt đỏ lựng nói tiếp: - Anh ơi anh nghĩ lại đi, hồ sơ của em quan trọng với cuộc sống của em thật đấy, nhưng có sai, thiếu giấy tờ nào đâu. Anh chỉ việc kiểm tra thấy hợp lệ là anh kí duyệt, chứ có vất vả gì đâu mà anh lấy của em những ba triệu? Các anh tự xưng là công bộc của dân mà lại ăn tiền của dân thế ư? Sếp nổi nóng thực sự: - Này anh đừng có xúc phạm cán bộ nơi công quyền nhé, tôi gọi người đến lập biên bản về tội vu khống của anh đấy. Sếp giận dữ quát lên, rồi sếp bừng tỉnh. Thì ra đó là một giấc mơ, vì đêm quá sếp hơi quá chén nên ngủ mệt.

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013


Nói Và Lờ
 
"Bầu ơi thương lấy bí cùng"
Câu này sếp lớn vẫn thường nhắc quân.
Hàng ngày sếp nhậu rần rần
Học trò miền núi rất cần sếp thương
Sếp bớt ăn nhậu tiệc tùng
Góp tiền miền núi xây trường sếp ơi
Mùa đông giá lạnh xám trời
Học trò miền núi ngủ nơi gió lùa
Sếp bỏ bớt tiền "vui, đùa"
Giúp cho các cháu tiền mua chăn màn
Nghe xong sếp cứ càm ràm
Từ thiện đâu phải việc làm của ta.

Một Chuyện... Cười
 
Do túng quẫn mà chị nhắm mắt làm liều, buôn ma túy. Chị bị bắt đi cải tạo.
 Mãn hạn tù, gia đình chị tan nát, muốn hoàn lương nhưng không mảnh đất cắm dùi. Chị về quê xin người anh cả chia cho mảnh đất để làm chốn nương thân, đặng làm lại cuộc đời. Anh cả chị trả lời thẳng tưng:
- Thời buổi tấc đất, tấc vàng, cô nói cứ nhẹ tênh: " chia cho em đất để em làm nhà". Nói cho cô biết nhé, bố mẹ lo cho cô chuyện chồng con chu đáo là xong. Giờ bố mẹ chết rồi, anh hết trách nhiệm, nói thế cho nhanh nhé.
Chị nói trong nước mắt:
- Anh không xót thương cho hoàn cảnh của em tí nào ư? Mà anh phải nhớ mảnh đất anh đang ở một nửa do tiền của em góp vào để mua từ ngày em chưa lấy chồng đấy.
- Cô này nói lạ, đất của tôi đứng tên sổ đỏ là tôi, cô lại bảo một nửa của cô, ai tin!
- Người bán đất cho nhà ta ngày xưa vẫn còn sống, họ sẽ làm chứng cho em.
- A, làm chứng à, cô định kiện tôi à? Giỏi thì đi kiện đi, xem người ta xử cho con tội phạm ma túy thắng, hay người đổ xương máu ngoài chiến trường như tôi thắng.
- Thôi anh đừng khoe cái công đi bộ đội của anh đi. Làng này khối người biết anh đi bộ đội chủ yếu là đi nằm viện. Khi không giả ốm được nữa phải đi B thì anh tự bắn vào chân, thế mà luồn lọt thế nào anh lại trở thành thương binh. Đừng có mà vỗ ngực kể ra, nhỡ lộ người ta truy lại gốc tích  thì nhục đấy anh ạ.
Ôi chỉ vì chuyện tấc đất, tấc vàng mà anh em bới móc, xỉ vả nhau. Chuyện đáng buồn nhưng người ta chả ai khóc, mà nười ta cười cho tình nghĩa anh em nhà ấy,thế mới cay chứ.


Thành Ngữ Mới
 
- Anh ơi sao hôm vừa rồi nhà ông Phèo bị cháy, em thấy nhà ông Chí ở ngay cạnh mà chẳng chạy sang cứu chữa gì cả.
- Ồ, thế đấy, thế mới có câu :"cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại".
- Rồi nhà ông Phèo cháy lan sang bếp nhà ông Chí...
- Thế là ứng với câu: ' cháy thành vạ lây ".
- Rồi nhà ông Chí sang bắt đền nhà ông Phèo.
- Thế thì đúng là :' cháy nhà hàng xóm mình được xây bếp mới".
- ??!!
 
Phí Công Đi
 
 Có hai ông, một là giám đốc, một là trưởng phòng, trước  cùng công tác ở một cơ quan, giờ đã nghỉ hưu. Năm nào hai ông cũng được cơ quan cũ mời về gặp mặt truyền thống.
Năm nay hai ông lại vừa đi dự gặp mặt về. Gặp nhau hai ông tâm sự, ông giám đốc nói:
- Ông thấy thế nào, chứ năm nay tôi thấy tổ chức gặp mặt kém quá. Hình thức sơ sài, diễn văn thì nhạt nhẽo, ăn uống thì qua loa, thật phí cả công đi.
- Ấy là ông cảm thấy thế thôi, chứ tôi thấy vẫn như mọi năm, không khí cuộc gặp gỡ vẫn rất hoành tráng đấy thôi. À, tôi biết rồi, ông thấy nhạt là phải thôi, vì bà thư kí cũ của ông năm nay không về dự chứ gì. Một năm chờ đợi, giờ không được gặp, hụt hẫng, nhạt nhẽo là phải rồi.
- Ông chỉ được cái đoán mò, bà ấy hết đát rồi, mặn mà gì nữa mà chả nhạt nhẽo. Tôi thấy chán nhất là năm nay ban giám đốc bỏ lệ tối chia tay mời đi vui "văn nghệ". Tay giám đốc  mới được đề bạt bảo: " cắt khoản ấy đi cho nó lành, chứ sức các cụ chịu sao nổi     tăng hai, rồi ra về lại ấm ức.". Ông bảo nó nói thế có coi thường các cụ không cơ chứ?
- Ô thế ban giám đốc của ông năm nay bỏ lệ tối "văn nghệ" chia tay à. phòng của tôi vẫn giữ lệ ấy. Thảo nào ông thấy chán, thấy nhạt, thấy phi công đi là phải!
 

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013


 Sự Tích Bát Canh Trắng
 Từ ngày về làm dâu,tết này nàng mới được mẹ chồng tin tưởng giao cho làm mâm cỗ cúng giao thừa.
 Nhà chồng nàng là một gia đình nề nếp,khá giả,rất tôn trọng truyền thóng gia phong.Khi mâm cỗ thịnh soạn đã được bàn tay khéo léo của nàng sắp đặt xong.Bỗng bà mẹ chồng nói:
 -Còn thiếu bát canh trắng truyền thống nữa con ạ.
 Không phải nàng không biết mâm cơm cúng giao thừa của nhà chồng năm nào cũng có bát canh trắng,nhưng nàng nghĩ con cháu có ai ăn món đấy đâu,năm nào cũng đặt lên bàn thờ,rồi để cho qua tết,chả ai động đến.Nên năm nay nàng chủ tâm không làm nữa.Nghe mẹ chồng nhắc,nàng lẳng lặng làm tiếp bát canh trắng mang lên đặt trên bàn thờ.
 Mẹ chồng hỏi:
 - Con làm bát canh trắng thế nào mà nhanh vậy?
 - Thì con lấy bát nước lã đun sôi,cho chút bột canh,mỳ chính,hành hoa thái nhỏ cho vào là xong ạ.
 Giọng bà mẹ chồng ôn tồn nhưng nghiêm khắc nói:
 - Con hạ ngay bát canh đấy xuống.Để mẹ kể cho các con nghe sự tích bát canh trắng truyền thống của gia đình ta:Đầu những năm ba mươi của thế kỷ trước nhà ta nghèo lắm,các cụ phải đi làm thuê làm mướn cho địa chủ trong làng.Ba mươi tết năm ấy nhà không có gì để cúng tổ tiên,cụ bà phải sang nhà lý trưởng nói khó mua chịu được chiêc chân giò về làm cơm cúng,khi chân giò vừa luộc xong thì mụ vợ của lý trưởng đến réo ầm ĩ ngoài ngõ,đòi lại cái chân giò,dút khoat không cho mua chịu.Cụ bà ra nói là đã trót luộc mất rồi,mụ vợ lý trưởng bảo luộc rồi cũng đòi về không bán chịu.Cụ đành rơi nước mắt mà trả lại mụ lý cái chân giò đã luộc.Giao Thừa năm ấy chỉ có bát nước suýt luộc chân giò đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên.
 Ký lạ thay kể từ năm ấy nhà ta làm ăn gặp rất nhiều may mắn,cuộc sống cứ đổi thay khá lên trông thấy.Từ đó năm nào trong mâm cơm cúng giao thừa cũng phải có bát nước suýt luộc chân giò,vừa để ghi nhớ nỗi nhục của cảnh nghèo khó,và cũng là để tạ ơn tổ tiên phù trợ cho con cháu,và nhắc nhở con cháu sau này.
 Nghe xong câu chuyện,nàng thầm trách mình quá hồ đồ, sao không hỏi mẹ chồng rõ nguồn gốc bát nước canh mà đi tự ý làm.
 Ngoài trời mưa xuân rơi nhè nhẹ,một mùa xuân mới đang về.

     Sếp Chúc Nhau
Nhân dịp năm mới,hai sếp chúc nhau:
- Năm mới chúc ông mạnh khỏe,liêm chính,thành công!
- Ông chúc tôi mạnh khỏe,thành công thì tốt rồi.Còn tôi không liêm chính hay sao mà ông lại chúc tôi phải liêm chính?
- Ông liêm chính đến mức nào thì tự ông biết.Tôi chúc ông như vậy cũng không thừa,và mong muốn điều tốt đẹp đến cho ông.
- Vậy thì tôi cũng chúc ông mạnh khỏe, liêm chính,trí,dũng song toàn trong khi ăn.
- Sao khi ăn lại phải trí,dũng song toàn,ông thật là ...
- Ông để tôi giải thích cho mà nghe:Ở tuổi chúng ta của ngon vật lạ chén đã nhiều,nguy cơ bệnh tật nan y luôn rình rập trong từng miếng ăn,ngồi trước mâm cỗ đầy món bổ béo,mà mình lại đang bị tiểu đường hay gut,hoặc mỡ máu,không đủ lý trí mà vượt qua,không đủ lòng dũng cảm mà từ chối,tiếc của giời mà chén cho đẫy vào,thế nào về cũng bị bệnh nó hành cho khốn khổ.Âý là nói về bữa ăn vào mồm.Còn khi có các vụ ăn chia,không đủ trí dũng mà từ chối:Ăn bớt, ăn hối lộ,ăn cắp của công thì có ngày tiêu tan sự nghiệp ông hiểu chưa.
Hai sếp cùng nâng ly, cả cười, chúc nhau mùa xuân mới.



                                                   Ca Rao
                                       *Đi lễ cầu lộc cầu tài
                           Móc túi nhan nhản,ăn mày nhâu nhâu
                                      Lộc tài thôi chả dám cầu
                            Cầu sao thoát khỏi cho mau cảnh này

                                  *Rượu vào lắm chuyện tuôn ra
                           Chướng tai, hoa mắt thế là choảng nhau
                                       Kẻ u trán,kẻ bươu đầu
                             Tỉnh ra chán quá, bạn bầu chứ ai

                                       *Sang gì mấy kẻ bạc bài
                             Không đi "chăn muỗi",có ngày ăn xin.

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013


Lễ Hẻo Thầy Trù 
 Thế là sau bao ngày vất vả ngôi nhà của hắn cũng được hoàn thành.Hắn háo hức được dọn về nhà mới cho bõ công mơ ước, khó nhọc bao ngày.
 Vợ hắn đi gặp thày xin ngày nhập trạch về bảo:
 - Thày nói tuổi của ông phải qua tết mới được về nhà mới.
 Hắn vỗ đùi mà than rằng:
 - Sao đời tôi ngày nay phụ thuộc vào thày nhiều thế này.
 Hắn nhớ hồi đầu năm bị khối u ở bụng bác sĩ bảo phải mổ ngay,vợ hắn nhờ thày xem ngày, thày phán phải hai tháng nữa mổ mới an toàn.May phúc sao thày thuốc không nghe,vả lại hắn cũng đau không chịu nổi, nên bác sĩ mổ gấp.Giờ hắn vẫn còn hú hồn vì thày thuốc nói hắn chỉ chậm một tuần nữa mà không mổ thì tính mạng hắn không biết sẽ ra sao.
 Lúc đang xây nhà thì vợ hắn đùng đùng dắt ở đâu về một ông thày địa lý.Thày lấy la bàn ra đo đo,đặt đặt,rồi phán:
 - Phòng thờ nhà chị phải đặt hướng đông bắc,phòng bếp chếch hướng tây nam.Thế là phòng thờ, phòng bếp đã xây thô xong rồi lại phải đập đi xây lại cho đúng hướng thày phán,khiến thợ xây suýt nữa thì phá hợp đồng vì bị xúc phạm đến tay nghề và thiết kế của công trình,họ bảo:
 - Ông cứ bắt đập đi đập lại mãi thế này,khiến người ta tưởng chúng tôi xây dở, kém tay nghề nên cứ phải làm đi làm lại...
 Hắn phải ngọt nhạt,nài nỉ tăng công,tăng thưởng cho thợ mới xong.
 Giờ thày lại chưa cho vào nhà mới để ăn tết,bực quá,khó chịu quá,hắn bèn quát vợ:
 - Thế bà đi xem thày nào,thày nói lý do gì mà sau tết mới được về nhà mới,mà bà đưa lễ cho thày thế nào?
 - Thì từ lúc khởi công,đến việc đổ mái từng tầng,tôi đều xem ở một thày ấy,lần nào lễ cũng hậu.Lần này đến xem ngày dọn về,tôi nghĩ chỉ cần khẩu trầu là được rồi.
 - Giời ơi là giời,thày ấy mà bà đến hỏi ngày nhập trạch chỉ có mỗi khẩu trầu,may mà nó không bảo bà là đến mùa quýt sang năm mới được nhập trạch đấy!

Dễ Tin Dễ Sợ
 
Một lần hắn đi thăm mọt ngôi chùa nổi tiếng, đường lên chùa phải qua một bãi đá khá lớn, có một phiến đá to hơn chiếc ghế băng, dựng nghiêng nghiêng cao hơn đầu người. Vốn tinh nghịch, hắn lẳng lặng đi đến phiến đá, dựa lưng ngả người vào phiến đá. Một lúc sau hắn quay về chỗ người bạn đi cùng, xung quanh có rất đông người. Hắn nói như thể nói riêng với người bạn, nhưng thật ra là muốn cho mọi người xung quanh cùng nghe:
- Người ta bảo phiến đá kia rất thiêng, có thể chữa được bệnh, mình vừa dựa lưng vào đấy một lúc thì thấy người rất sảng khoái, bao đau đớn, mỏi mệt tan biến hết, thật tuyệt!.
Nghe xong, người bạn hắn chẳng nói chẳng rằng chạy ngay ra chỗ phiến đá, ngả lưng rồi ôm, rồi xoa tay, quệt chân vào phiến đá.
Sau đó thì chốc chốc lại có người ra ngả lưng, tựa đầu, xì xụp quanh phiến đá.
Nhìn cảnh tượng ấy diễn ra, hắn cười thầm vì trò tinh nghịch của hắn đã thành công.
Nhà hắn có trại gà nuôi công nghiệp, mỗi lần ấp, trứng bị ung khá nhiều, bỏ đi rất phí. May sao một số chủ trai nuôi gia súc mua về làm thức ăn chăn nuôi. Từ đó chợ làng hắn có món hàng trứng ung bày bán. Một hôm có đoàn khách du lịch đi qua, thấy biển đề trên thúng trứng là trứng ung, một vị khách cười nói:
- Thật không cái gì là không bán được, à mà họ bán trứng ung để làm gì không biết, chả nhẽ để ném vào những kẻ bị tẩy chay à?
Hắn nghe thấy bèn nói vui:
- Biệt dược đấy ông ạ, thế ông chưa dùng món này à? Ông ăn bà sướng đấy, mỗi tối trước khi đi ngủ ông ăn hai quả, đảm bảo đêm đấy ông cũng làm được hai "quả".
Vui thay chợ trứng ngày hôm ấy chỉ loáng một cái là hết hàng. Những ngày sau thì ai muốn mua trứng ung thì phải vào lò đặt trước, giá trứng ung tăng vù vù. Rồi tin đưa trên mạng về sự bổ dương của trứng ung cũng được bàn tán rất rôm rả. Hắn nghĩ bụng chả nhẽ hiện tượng này cũng lại bắt đầu từ câu nói đùa của hắn. Hắn chợt nghĩ lâu nay cứ cái gì ăn uống liên quan đến bệnh tật sức khỏe chỉ cần được nói ra là người ta tin ngay.
Chợt hắn nhìn sang trang trại đu đủ của nhà hàng xóm, nhà này có tư thù với nhà hắn, chợt một ý lóe ra trong đầu hắn, mai hắn sẽ tung tin ăn đu đủ sẽ bị ung thư, bị liệt dương. Nhà hàng xóm bị lụi bại vì tin này chưa biết chừng(!).
- ???

Sợ Ma Phá Cỗ
 Nàng bị lâm vào cảnh góa bụa khi mới ngoài bốn mươi tuổi.
 Một năm sau thì nàng hồi xuân,đẹp mặn mà hơn cả thời con gái.Ai cũng đoán chả chóng thì chày nàng sẽ đi bước nữa.Xung quanh nàng vệ tinh ngày càng dày đặc,nhưng chưa thấy nàng mặn mà với ai.Rồi người ta khen nàng là đoan trang,biết thủy chung thờ chồng.
 Nàng mới đi dự đám tang một người bạn về,dáng điệu nàng càng thêm nghiêm trang hơn.Những "vệ tinh" thi thoảng còn được nàng đón tiếp,từ khi đi dự lễ tang bạn về nàng "đóng chặt cửa" không giao lưu,tiếp xúc với ai nữa.Chắc nàng cảm thông sâu sắc với một người bạn cũng rơi vào hoàn cảnh như nàng mà càng nhủ lòng thêm đoan chính(?).Khổ nỗi sắc đẹp của nàng,cái sự khép kín của nàng càng làm cho xung quanh thêm xao động.
 Thực ra nàng cũng khao khát yêu đương lắm.Những lời có cánh của các "vệ tinh" như rót mật vào tai nàng không ngớt,khiến tâm can nàng giằng xé bao đêm.
 Một cô bạn đến an ủi nàng với tâm sự rất thoáng,rất mở,vì cô cũng rất hiểu tâm trạng của nàng:
 - Cuộc đời đẹp lắm,cậu yêu chồng,thờ chồng như thế nào ai cũng biết rồi.Song đời cậu con dài,con cái cũng lớn khôn rồi,cậu cũng phải hưởng thụ,vui sống với đời chứ.Cậu đi bước nữa sẽ có một người đàn ông hạnh phuc.Mà nói thật nhé,nếu cậu không lấy ai mà cứ vui vẻ thì nhiều người sung sướng,nghĩa là cậu chỉ cặp bồ thôi,vừa có bạn,vừa có tình,cứ kín đáo thì ai biết "ma ăn cỗ".
 Mình có phải ma đâu mà sợ người ta biêt "ma ăn cỗ".Nhưng mình biết có chuyện ma phá cỗ,sợ lắm.
 Rồi nàng kể:
 - Mình vừa đi dự đám tang của bạn về,cậu biết không,cô ấy cũng góa chồng lâu rồi,cô ấy mới yêu một người cũng góa vợ.Không ngờ hai người cùng bị tai nan chết bất đắc kỳ tử,tội quá.Người ta bảo chồng và vợ của cặp ấy phá đám,trừng phạt đấy.Ma phá cỗ sờ sờ ra đấy thôi,mình sợ lắm!


Ôi Tá Lả
 
  Phải nói rằng chưa bao giờ trò chơi tá lả ăn tiền phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Từ cơ quan đến trường học, từ đường phố đến đường làng, đâu đâu cũng gặp người ta chơi tá lả.
Ở hành lang một phòng cấp cứu của một bệnh viện lớn. Buổi tối khi mọi người cơm nước xong thì nhóm người nhà đi chăm sóc bệnh nhân gày sòng ngay. Ồ mà sao cái trò chơi tá lả nó làm cho người ta hòa đồng với nhau dễ thế không biết. Một cậu thanh niên cùng mẹ đưa bố vào viện cấp cứu. Cậu ta mếu máo nói với bác sỹ:
- Bác sy ơi cố cứu bố cháu nhé, bố cháu mà đi lúc này thì anh em cháu chết mất, vì bố cháu chưa làm di chúc gì cả...
Khi bố cậu ta được đưa vao phòng cấp cứu, chỉ mẹ cậu ta được vào theo. Cậu ta xà ngay vào đám tá lả đang chơi rất rôm rả. Một người vừa ù xong thì phải đứng dậy đi vào phòng bệnh cho bố đi vệ sinh. Anh ta vừa đi vừa càu nhàu: ỉa đái gì mà lắm thế không biết.( ấy là có người ra gọi dễ đến mười lăm phút rồi). Thế là cậu thanh niên được thế chỗ tạm thời ngay. Chỉ ván trước, ván sau cậu ta đã vừa đánh vừa pha trò cứ như là quen nhau lâu lắm rồi ấy. Và ông bố phải cấp cứu hình như không còn trong tâm trí của cậu ta nữa.
Cuộc chơi đang ngày càng sôi động thì bỗng bà mẹ cô gái duy nhất trong sới hốt hoảng ra gọi:
- Vào nhanh,bố sắp đi rồi con ạ.
Nghe tin sét đánh như thế mà cô ta cứ bình chân như vại, còn nói vui:
- Đi đâu thì cũng đợi con ù xong ván này đã.
Khi cô gái đứng dậy thì một người là trợ lí của một sếp, đến chăm sóc sếp theo sự phân công của cơ quan vào thay ngay. Anh ta vừa chơi vừa kể:
- Mai là sếp của tôi ra viện rồi. Ở đây anh em mình chơi nhỏ chứ nếu đánh to tôi vào rủ sếp ra chơi cùng ngay. Sếp tôi chơi món này mả lắm.
Anh ta nói vừa dứt câu thì sếp anh ta đứng ngay sau lưng nói:
- Đánh nhỏ cũng vui, để anh cầm cho vài ván, đêm nay tự nhiên khó ngủ quá.
Chứng kiến cảnh này từ đầu đến giờ, một người kêu lên:
- Ôi tá lả!!!